Hồi còn bé chúng ta ai cũng đã được nghe ông, bà, cha, mẹ nói câu:
”Nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”.
Và hẳn là ai cũng đã biết từ rất lâu việc ăn nhanh, nhai chưa kỹ rồi nuốt là không tốt. Thế nhưng có rất ít tư liệu hay người chia sẻ về những điều này và vì cuộc sống vội chúng ta lướt qua mà vô tình không để ý. Vậy thì hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu lý do tại sao nhé!
Quá trình tiêu hóa bắt đầu từ miệng
Khi nhai, các tuyến nước bọt bắt đầu hoạt động, cơ thể được thông báo sẽ được cung cấp thức ăn và tạo thêm thời gian chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa. Càng nhai kỹ, nước bọt trộn với thức ăn nhiều hơn, điều này rất có lợi. Mặc dù thực tế nước bọt con người có đến 98% là nước nhưng nó là chứa các enzym quan trọng, cũng như các hợp chất khác như hợp chất kháng khuẩn, chất nhầy, và chất điện phân. Các enzym trong nước bọt tạo ra phản ứng hóa học ban đầu để “giảm tải” cho các công đoạn tiêu hóa về sau.
Ở người, có khá nhiều tuyến nước bọt nằm rải rác khắp niêm mạc của miệng, trong đó có 3 đôi tuyến chính là tuyến nước bọt mang tai, tuyến nước bọt dưới hàm và tuyến nước bọt dưới lưỡi.
Dạ dày không có men tiêu hoá phân huỷ cacbonhydrat mà chỉ có ở tuyến nước bọt, ruột non và một ít ở tuỵ.
Trong khi cacbonhydrat có rất nhiều trong thực phẩm: ngũ cốc, hạt, thực phẩm họ đậu, rau, sữa, hoa quả...
Vì vậy, nếu chúng ta ăn nhanh, nhai không kỹ thì enzyme trong tuyến nước bọt không được thấm kỹ vào thức ăn sẽ khiến thức ăn không được làm mềm và không phân cắt được tinh bột trong đồ ăn. Thế nên, sẽ ảnh hưởng đến chu trình tiêu hoá, hấp thu thức ăn của hệ thống tiêu hoá phía sau.
Khi bạn không nhai kỹ, thực phẩm khó có thể tiêu hóa. Khi thực phẩm còn sót lại ở ruột, vi khuẩn có xu hướng phân hủy nó và gây ra một số triệu chứng như đầy hơi, táo bón, tiêu chảy và một số vấn đề tiêu hóa khác.
Ngon miệng hơn: Hiện nay, do lối sống gấp mà nhiều người nhiễm phải thói quen ăn quá nhanh. Nếu dành thời gian hơn để nhai, việc thưởng thức bữa ăn sẽ thú vị hơn
Cùng nhau ăn chậm nhai kỹ để có sức khỏe hoàn hảo hớn mỗi ngày nhé!